Hộp số là một trong những bộ phận quan trọng nhất của xe ô tô, đóng vai trò chuyển đổi và phân phối công suất từ động cơ đến bánh xe. Nói một cách dễ hiểu, hộp số trên xe ô tô chuyển đổi chuyển động quay tròn của động cơ thành chuyển động quay của bánh xe.
Việc sử dụng hộp số không chỉ giúp xe vận hành hiệu quả mà còn đảm bảo trải nghiệm lái xe êm ái, tiết kiệm nhiên liệu và an toàn hơn.
Trên thị trường xe hơi du lịch tại Việt Nam hiện nay, có bốn loại hộp số chính được sử dụng rộng rãi nhất: hộp số sàn (MT), hộp số tự động truyền thống (AT), hộp số tự động vô cấp (CVT), và hộp số tự động ly hợp kép (DCT). Ngoài ra còn có 2 loại ít gặp hơn là hộp số sàn thông minh (iMT) và hộp số sàn tự động (AMT).
Hãy cùng Hatazone tìm hiểu toàn bộ các hộp số nêu trên để biết mình nên mua xe ô tô trang bị hộp số nào thì tốt nhé!
Nội dung chính
ToggleHộp số sàn (Manual Transmission – MT)

Hộp số sàn là loại hộp số truyền thống và lâu đời nhất, hoạt động dựa trên sự phối hợp giữa cần số và bàn đạp ly hợp (bàn đạp côn) để điều chỉnh tỷ lệ truyền động. Cấu tạo của hộp số sàn bao gồm các bánh răng và trục, cho phép người lái lựa chọn cấp số theo thực tế tình trạng của xe như: tải trọng, độ dốc, vận tốc, vòng tua…
Ưu điểm: Hộp số sàn mang lại cảm giác lái chân thực, đặc biệt phù hợp với những người yêu thích trải nghiệm lái xe chủ động. Trong nhiều tình huống cần sức kéo, hộp số sàn có thể đáp ứng tốt. Ngoài ra, xe sử dụng hộp số sàn thường có giá bán thấp hơn, tiết kiệm nhiên liệu tốt (nếu lái xe có kinh nghiệm) và chi phí bảo trì cũng rẻ hơn so với các loại hộp số khác.
Nhược điểm: Việc điều khiển hộp số sàn đòi hỏi kỹ năng lái xe thành thạo, đặc biệt trong việc phối hợp giữa chân côn và cần số. Điều này có thể gây bất tiện hoặc mệt mỏi cho người lái, đặc biệt là trong tình trạng giao thông đông đúc hoặc di chuyển trong đô thị.
Hộp số tự động truyền thống (Automatic Transmission – AT)

Hộp số tự động là một bước tiến lớn trong công nghệ xe hơi, mang lại sự tiện lợi cho người lái bằng cách tự động thay đổi tỷ lệ truyền động mà không cần sử dụng bàn đạp côn hoặc cần số. Hộp số tự động hoạt động dựa trên sự kết hợp của bộ biến mô và hệ thống bánh răng hành tinh, giúp xe chuyển số một cách mượt mà và dễ dàng.
Ưu điểm: Loại hộp số này mang đến sự thoải mái và thuận tiện, đặc biệt khi di chuyển trong điều kiện giao thông đông đúc. Người lái không cần phải tập trung vào việc điều chỉnh cần số hay bàn đạp côn, từ đó giảm áp lực và tăng tính an toàn khi lái xe. Đây đã từng là trang bị cực kỳ phổ biến trên các xe ô tô du lịch do tính ưu việt của nó so với hộp số sàn. Hộp số tự động AT có độ bền và tính tin cậy rất cao.
Nhược điểm: Các xe ô tô sử dụng hộp số tự động ít cấp thường tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với hộp số sàn. Đồng thời, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa hộp số tự động cũng cao hơn do cấu tạo phức tạp hơn. Hộp số này thường có giá thành sản xuất cao hơn đáng kể so với hộp số sàn hay hộp số CVT.
Hộp số tự động vô cấp (Continuously Variable Transmission – CVT)

Hộp số vô cấp CVT hoạt động dựa trên cơ chế dây đai và puli thay vì bánh răng cố định như các loại hộp số khác. Điều này cho phép hộp số CVT cung cấp tỷ số truyền không giới hạn trong một khoảng nhất định, giúp xe vận hành mượt mà và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Ưu điểm: Hộp số CVT có khả năng duy trì động cơ hoạt động ở mức hiệu suất tối ưu, từ đó giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Xe sử dụng hộp số CVT thường mang lại cảm giác lái êm ái, không bị giật khi chuyển số, đặc biệt phù hợp với các dòng xe đô thị.
Nhược điểm: Mặc dù mang lại nhiều lợi ích về hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu, cảm giác lái của hộp số CVT thường không được đánh giá cao vì thiếu sự chân thực và phản hồi trực tiếp như hộp số sàn hoặc ly hợp kép. Ngoài ra, khả năng chịu tải của loại hộp số này kém hơn, khiến nó không phù hợp với các dòng xe hiệu suất cao hoặc yêu cầu sức kéo lớn.
Hộp số ly hợp kép (Dual-Clutch Transmission – DCT)

Hộp số ly hợp kép là sự kết hợp giữa ưu điểm của hộp số sàn và hộp số tự động. Hộp số DCT sử dụng hai bộ ly hợp riêng biệt, một bộ dành cho các số chẵn và một bộ cho các số lẻ. Điều này giúp xe chuyển số nhanh chóng và mượt mà, tối ưu hóa hiệu suất động cơ.
Ưu điểm: Hộp số DCT nổi bật với khả năng chuyển số nhanh và chính xác, từ đó mang lại hiệu suất vận hành cao. Đồng thời, loại hộp số này cũng giúp xe tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn so với hộp số tự động thông thường.
Nhược điểm: Do thiết kế phức tạp, hộp số ly hợp kép thường có chi phí sản xuất và bảo dưỡng cao. Ngoài ra, trong một số điều kiện như giao thông đông đúc hoặc di chuyển chậm, hộp số DCT có thể bị lỗi quá nhiệt, đặc biệt với hộp số ly hợp kép khô.
Hộp số sàn thông minh (intelligent Manual Transmission – iMT)

Hộp số sàn thông minh không phải là loại hộp số được trang bị phổ biến trên các xe ô tô tại Việt Nam. Về cơ bản loại hộp số này có hầu hết các bộ phận giống với hộp số sàn. Ngoại trừ việc hộp số này không có bàn đạp côn. Mỗi khi lái xe di chuyển cần số, hệ thống máy tính sẽ tự động nhận biết để ngắt truyền động từ máy tới hộp số, từ đó việc sang số có thể diễn ra mà không cần phải đạp chân côn.
Ưu điểm: Hộp số sàn thông minh iMT là sự lựa chọn rất hợp lý cho những người đang tìm mua xe ô tô đòi hỏi sự kiểm soát xe mọi lúc nhưng lại ngại dùng bàn đạp côn. Ngoài ra hộp số sàn thông minh iMT này cũng giảm thiểu sự mòn cho bộ ly hợp so với hộp số sàn, do hệ thống điện tử sẽ xử lý tốt và rất đồng đều trong tất cả tình huống.
Nhược điểm: Dù khá giống với hộp số sàn, nhưng những người yêu thích số sàn thực thụ có lẽ cũng chưa thể hài lòng hoàn toàn vì cảm giác lái sẽ có ít nhiều khác biệt. Nếu so với hộp số tự động nói chung thì cũng không linh hoạt vì vẫn phải chuyển số. Ngoài ra loại hộp số này cũng rất ít phổ biến trên thị trường Việt Nam nên việc mua đi bán lại cũng có nhiều bất lợi.
Hộp số sàn tự động AMT (Automated Manual Transmission)

Tiếp tục là một hộp số dựa trên nền tảng hộp số sàn – hộp số sàn tự động AMT. Đây là loại hộp số vẫn sử dụng bộ bánh răng truyền thống, giống hệt hộp số sàn nhưng được trang bị thêm các cơ cấu tự động hóa để tự sang số. Lái xe không cần đạp côn và sang số, cả hai hoạt động này đều được hệ thống điều khiển điện tử tính toán và đưa ra trong thời điểm hợp lý.
Ưu điểm: Có sức kéo và độ bền về phân cơ học của hộp số sàn, nhưng vẫn có được sự thoải mái của hộp số tự động. So với các hộp số tự động thì hộp số sàn tự động AMT có giá thành rẻ hơn. Tiết kiệm hơn một số hộp số tự động có ít cấp. Chi phí bảo trì bảo dưỡng của loại hộp số này tương đối hợp lý.
Nhược điểm: Sự chuyển số của hộp số sàn tự động AMT không thực sự mượt mà nếu so với các loại hộp số tự động trên xe ô tô phổ biến hiện nay. Ngoài ra, xe được trang bị hộp số này cũng có độ trễ khi tăng tốc, không phù hợp với xe có hiệu xuất cao. Đồng thời việc hộp số sàn tự động AMT này không phổ biến trên thị trường Việt Nam cũng gây nên nhiều khó khăn khi chẩn đoán, sửa chữa, thay thế các chi tiết về điện.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây có thể giúp các bạn phân loại được các loại hộp số trên xe ô tô, cũng như biết được mình phù hợp với hộp số nào khi chọn mua chiếc xe ô tô của mình và gia đình. Mỗi loại hộp số đều có ưu và nhược điểm riêng, điều quan trọng bạn nên tìm hiểu xem mình phù hợp với loại nào và tài chính tương ứng của từng xe.
Chúc bạn tìm được mẫu xe và hộp số phù hợp!